Cây chìa vôi còn gọi là cây đau xương, bạch phấn đằng. Theo từ Hán, bạch là trắng, liễm là thu, nên có tên vị thuốc bạch liễm.
Chìa vôi là một loại cây nhỏ, mọc leo, dài chừng 2 – 4m, toàn thân nhẵn, có tua cuốn đơn hình sợi. Lá đơn xẻ thùy chân vịt, phía cuống hình tim, dài và rộng từ 6 – 8cm; những lá phía gốc hình mác, lá phía trên chia 5 – 7 thùy, dài gần bằng nhau, mép hơi có răng cưa. Hoa màu vàng nhạt, mọc đối diện với lá nhưng ngắn hơn, có cuống. Bộ phận dùng làm thuốc là thân, rễ (củ).
Theo Đông y, bạch liễm tính đắng, bình, không độc. Công dụng: tả hỏa, tán kết, dùng làm thuốc sưng đau lở loét.
Chủ trị: mụn nhọt lở loét, thu khí kết, giảm đau, trừ nóng, trừ mắt đỏ, trẻ con kinh sợ, động kinh, sốt rét, nữ âm hành sưng, khí hư màu trắng đỏ. Trừ độc của lửa. Nhân dân ta dùng dây chìa vôi chữa đau đầu, nhức xương, tê thấp. Trong Đông y, thầy thuốc dùng bạch liễm chữa u hạch mọc ở lưng, trường phong, trĩ lậu, lỵ ra máu, trên mặt có nốt phồng, chữa vết loét do đâm chém, đánh đập, làm sinh cơ, giảm đau.
Một số bài thuốc có dùng bạch liễm:
– Trị lưng mới mọc ung nhọt: dùng nước trộn bột bạch liễm (chìa vôi) đắp lên nhọt.
– Trị các loại ung thũng: bạch liễm 50g, lê lô 25g, nghiền nhỏ hòa rượu dán, ngày thay 3 lần.
– Trị vết loét không liền miệng: bạch liễm, xích liễm, hoàng bá lượng bằng nhau đều 12g, sao, nghiền; kinh phân 4g trộn đều. Nấu nước hành rửa vết loét rồi rắc, đắp thuốc bột này lên.
– Chữa phong thấp đau nhức xương: bạch liễm (chìa vôi) 20g, dây đau xương 16g, rễ lá lốt 16g. Đổ 500ml nước sắc còn 250ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Trong kinh nghiệm của nhân dân Việt Nam thì củ chìa vôi thường được dùng chữa thấp khớp, đau nhức các xương. Thân chìa vôi hơ hay xào nóng dùng đắp lên bụng phụ nữ sau khi đẻ để chữa đau bụng.
Theo Suckhoedoisong