Đông y cho rằng, rễ nhàu có tác dụng nhuận trường, lợi niệu, làm êm dịu thần kinh, hạ huyết áp, nên thường sử dụng rễ nhàu để trị cao huyết áp, nhức mỏi tay chân do phong thấp, đau lưng.
Cũng như nhiều loại cây cỏ khác, tùy theo địa phương mà nhàu cũng có nhiều tên gọi khác nhau như nhàu núi, nhàu rừng, nhàu lớn…, tên khoa học Morinda citrifolia L, thuộc họ cà phê (Rubiaceae).
Cây nhàu mọc hoang ở những nơi ẩm thấp như ở góc vườn, bờ rào, bờ ao, dọc theo sông suối hay trồng làm thuốc ở những vùng nhiệt đới châu Á hoặc châu Đại dương, thường thấy nhiều tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Bộ phận thu hoạch để làm thuốc là lá, vỏ cây, rễ và quả nhàu. Trong đó rễ nhàu là được sử dụng nhiều hơn cả. Rễ nhàu được rửa sạch, thái lát mỏng và phơi hay sấy khô để làm thuốc; các bộ phận khác của cây được dùng tươi là chủ yếu. Dược liệu được thu hoạch quanh năm nhưng lá nhàu sử dụng tốt nhất vào mùa xuân, còn quả vào mùa hạ.
Đông y cho rằng, rễ nhàu có tác dụng nhuận trường, lợi niệu, làm êm dịu thần kinh, hạ huyết áp, nên thường sử dụng rễ nhàu để trị cao huyết áp, nhức mỏi tay chân do phong thấp, đau lưng.
Quả nhàu có công năng nhuận trường, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa, trừ thấp nhiệt, điều kinh. Do vậy thường sử dụng quả nhàu để trợ tiêu hóa, chống táo bón, điều hòa kinh nguyệt, chữa bạch đới, băng huyết, hỗ trợ trị chứng tiểu đường, cao huyết áp…
Liều lượng: Với quả nhàu tươi dùng ngoài không kể liều. Nếu dùng quả khô hoặc chế phẩm trà túi lọc pha như trà uống bình thường. Còn với người bình thường khỏe mạnh, trẻ tuổi mỗi ngày chỉ cần uống 30ml. Đối với người cao tuổi uống 60ml/ngày vào các buổi sáng và chiều…
Để tham khảo và áp dụng trị liệu một số chứng bệnh từ cây nhàu, dưới đây xin chỉ giới thiệu những phương tiêu biểu:
* Trị chứng stress, trầm cảm (kể cả chấn thương): Lấy quả nhàu ép lấy nước cốt uống. Uống vào lúc đói, từng ngụm nhỏ giữ trong lưỡi và cuống họng.
* Dưỡng tóc, da đầu: Dùng nước ép của quả nhàu thoa lên da đầu.
* Chữa nấm da, bầm tím (kể cả vùng da xương bị đau): Lấy quả nhàu tươi chà lên da bị nấm hay bầm tím nhiều lần trong ngày. Riêng để giảm đau vùng da xương có thể ngâm một lượng quả nhàu tươi giã nhuyễn cùng nước ép quả nhàu và chút nước ấm vào bông gạc tạo thành miếng đắp lên vùng da xương đau nhức, ngày thay 1 lần.
* Dùng cho huyết áp cao (kể cả đau lưng, nhức mỏi chân tay): Rễ nhàu 20 – 40g sắc lấy nước uống hoặc nấu thành cao lỏng tỉ lệ 1: 3; cũng có thể sao vàng rồi ngâm rượu uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 chén chừng 30ml.
* Trị phong thấp, nhức mỏi: Làm món quả nhàu ngâm với đường. Quả nhàu 1kg, đường trắng 300g, cho quả nhàu đã rửa sạch vào lọ thủy tinh, ủ thật chín rồi trộn đều với đường đậy nắp kín để trong 3 tuần (21 ngày), mang ra tán nhuyễn lọc lấy nước cốt, bảo quản cẩn thận (cho tủ lạnh nếu có) dùng dần. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh (30ml), vào trước bữa ăn cơm hằng ngày.
Hay quả nhàu non hoặc rễ nhàu 600g, thái lát mỏng phơi hoặc sấy khô, cho vào 1 lít rượu cao độ (40 – 45 độ) sau 3 tuần là dùng được. Ngày uống 1 – 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần uống khoảng 30 – 50ml.
* Kích thích tiêu hóa, co sản phụ: Lấy vỏ cây nhàu 8 – 12g, sắc uống ngày 1 thang.
* Làm êm dịu thần kinh, hạ sốt (dùng cho cả chảy máu cam): Lá nhàu tươi 20 – 30g, sắc lấy nước uống ngày 2 lần. Hoặc nấu canh ăn cũng hiệu nghiệm…
Theo Nongnghiep