Chữa suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm với kiều mạch

Kiều mạch, còn gọi là Mạch ba góc, tam giác mạch, tên khoa học là Fagopyrum esculentum Moench, thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).

Là loại cây thảo, thân mọc đứng, cao 30 – 80cm, phân cành nhiều. Lá hình tim, tim tam giác, nhọn, có cuống; các lá ở phía trên hầu như không cuống; bệ chìa mỏng. Chùm hoa ở nách lá hay ở ngọn; hoa màu trắng hay hơi hồng, có cuống. Quả ba góc nhọn, hơi vượt quá đài hoa, màu nâu đen đen. Hạt có nội nhũ bột.

Là cây của miền Bắc châu Á (Xibiri), về sau kiều mạch được thuần hóa lần đầu từ vùng Đông Nam Á lục địa (khu vực phía tây tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) khoảng 6.000 năm trước công nguyên, từ đó lan ra Trung Á và Tây Tạng, sau đó đến Trung Đông và châu Âu.

Kiều mạch được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu từ thế kỷ 15. Ở Việt Nam, kiều mạch được trồng nhiều ở vùng núi cao phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, để làm lương thực phụ và dùng cho chăn nuôi…

Bộ phận dùng làm thuốc là hạt (Semen Fagopyri Esculenti) thường gọi là kiều mạch. Đông y cho rằng kiều mạch vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kiện tỳ, trừ thấp, giáng khí khoan tràng, tiêu thực, hóa tích, dứt ra mồ hôi…, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, tiêu thũng.

Quả và lá dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Chất rutosid thường được dùng đề phòng các tai nạn về mạch máu như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp (viêm võng mạc, ban xuất huyết) trong trường hợp viêm da do tia Rơnghen, trong sự rối loạn của tuần hoàn tĩnh mạch.

Nhân dân một số nơi dùng lá nấu canh ăn để dễ tiêu và làm cho sáng mắt, thính tai. Hạt cũng được dùng ở Trung Quốc như hạt bông chua hay Kim kiều mạch (Fagopyrum cymosum). Bột hạt được dùng như chất làm mềm và tan sưng.

Kiều mạch là loại ngũ cốc duy nhất người ta có thể vừa trồng ở một nước có khí hậu lạnh, vừa ở khí hậu nóng, mọc ở bất kì loại đất nào, cho dù cằn cỗi, không màu mỡ. Nó cũng không cần bất cứ loại phân bón vô cơ hay hóa học nào để phát triển. Đây là loại cây có sinh lực mạnh mẽ và là thực phẩm tốt nhất cho những bệnh nhân cơ thể đã bị suy yếu trầm trọng.

kieu mach Chữa suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm với kiều mạch

Sau đây là một số bài thuốc từ kiều mạch:

* Đầy bụng, ỉa chảy, mụn nhọt, nhiễm trùng, phụ nữ ra khí hư, ra mồ hôi trộm…do dạ dày, ruột nhiệt, chữa tả lị: Dùng kiều mạch lượng vừa đủ, sao vàng xay thành bột mỗi lần 10 – 15g, ngày uống 2 lần chiêu với nước sôi còn ấm.

* Chữa suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm: Dùng bột kiều mạch 500g, cho đường đỏ (đường mía) sau đó cho nước vừa đủ nhào trộn làm thành bánh, rồi nướng chín ăn liên tục trong mấy ngày liền.

* Chữa huyết áp cao, xuất huyết đáy mắt, ban xuất huyết: Dùng lá kiều mạch tươi 100g, ngó sen 4 cái, sắc uống trong ngày (nhờ thân và lá kiều mạch có tác dụng cầm máu).

* Thay sữa rửa mặt: Lấy bột kiều mạch vừa đủ cho chút nước để trộn đều sền sệt như cháo, rồi bôi chất bột sền sệt thoa đều lên da mặt và mát xa chừng vài phút và rửa mặt. Chỉ hai tháng sau da mặt không còn bong tróc, ngược lại trở lên nhẵn nhụi và mượt như nhung. Nếu trên cánh mũi xuất hiện mụn đầu đen, cho thêm một ít bột baking soda để “tiễu trừ” chúng.

* Bổ dưỡng, thanh nhiệt giải độc, dùng món “mực nhồi kiều mạch”:  Mực ống: 0,2kg; hạt kiều mạch 0,05 kg; nấm rơm 0,05 kg; hành tây 0,05 kg. Gia vị: Muối, đường, tiêu và phô mai.

Mực sơ chế, rửa sạch, tẩm ướp gia vị. Lưu ý khi sơ chế nên ướp với gừng và một chút rượu để khử mùi tanh và nên để nguyên con. Hành tây, nấm rơm sơ chế, sau đó thái hạt lựu. Trộn cùng với hạt kiều mạch đã được hấp chín, để nguội và cho gia vị vừa ăn.

Nhồi tất cả hỗn hợp trên vào con mực; đem hấp trong khoảng 5 phút. Sau đó, chao mực vừa hấp vào chảo dầu nóng, để nguội và bày ra đĩa để ăn.

Theo Nongnghiep

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *