Hiện nay, tỷ lệ mắc các bệnh xương khớp rất cao, và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên rất nhiều người bệnh thiếu kiến thức nên thường nhầm lẫn giữa các loại bệnh khớp.
Dưới đây là một số điểm khác nhau giữa các loại bệnh khớp thường gặp nhất:
1. Thoái hóa khớp
Đối tượng: Khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65, 85% người trên tuổi 80 có nguy cơ mắc bệnh. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn.
Nguyên nhân: Hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ma sát ở điểm nối giữa hai đầu xương.
Triệu chứng:
– Cứng khớp do thoái hóa khớp chỉ kéo dài một thời gian ngắn (ít khi quá 15 phút).
– Không sưng, nóng, đỏ đau.
– Đau khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Hạn chế vận động.
– Thường gặp ở cột sống, thắt lưng, cột sống cổ, gối, háng, các ngón tay…
Chuẩn đoán – Điều trị : Chụp X quang, giảm đau, điều trị phục hồi chức năng
Chế độ ăn: Ăn thức ăn giàu đạm, hạn chế mỡ. Bổ sung vitamin.
2. Viêm khớp
Đối tượng: Thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên (70-80%). Trên 30 tuổi gặp nhiều (60-70%).
Nguyên nhân: Có thể do một loại virus, vi khuẩn… hoặc chưa rõ nguyên nhân.
Dấu hiệu:
– Có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.
– Sưng khớp có tính chất đối xứng hai bên.
– Viêm các khớp nhỏ ở hai bàn tay (cổ tay, bàn ngón và ngón gần), phối hợp với các khớp gối, cổ chân, khuỷ chân…
Chuẩn đoán – Điều trị:
– Chụp X-quang
– Điều hòa miễn dịch
– Chống viêm
– Giảm đau
– Vật lý trị liệu
Chế độ ăn: Ăn đủ thức ăn giàu đạm.
3. Bệnh gout
Đối tượng: Thường gặp ở nam giới (trên 95%), khỏe mạnh, mập mạp vào tuổi 35-45. Nữ giới sau tuổi mãn kinh 5%.
Nguyên nhân: Tăng acid uric trong máu do rối loạn chuyển hóa acid uric.
Triệu chứng:
– Đang đêm bệnh nhân thức dậy vì đau ở khớp bàn chân cái (một bên), đau dữ dội ngày càng tăng.
Ngón chân sưng to, phù nề, căng bóng, nóng đỏ, xung huyết, trong khi các khớp khác bình thường.
– Đợt viêm kéo dài khoảng vài ngày sau đó hết viêm, khoảng 3-6 tháng sau tái phát lại.
Chuẩn đoán – Điều trị:
– Xét nghiệm chỉ số acid uric.
– Kiểm soát chế độ ăn.
– Điều trị giảm acid uric trong máu.
– Thuốc giảm đau colchicine, NSAID.
Chế độ ăn: Hạn chế ăn thực phẩm nhiều protein.
4. Viêm khớp nhiễm trùng
Đối tượng: Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể gặp ở các nhóm tuổi khác nhau nhưng trẻ em, nhất là trẻ sinh non và người cao tuổi dễ mắc hơn cả.
Nguyên nhân: Có thể do chấn thương làm tổn hại khớp, hay tai nạn lao động mà vết thương bị nhiễm bẩn. Ngoài ra còn có thể do vi khuẩn lậu, tụ cầu vàng, tụ cầu hoại sinh…
Triệu chứng:
– Có các biểu hiện của nhiễm khuẩn như: sưng, nóng, đỏ và đau tại khớp bị viêm nhiễm (thường gặp ở khớp cổ chân, khuỷu tay, khớp gối…). Ngoài ra người bệnh có sốt cao (39-400C), mệt mỏi, chán ăn, môi khô, lưỡi bẩn, có dấu hiệu mất nước. Tại khớp bị viêm cử động khó khăn, đau nhức khó chịu…
Chuẩn đoán – Điều trị:
– Phát hiện và điều trị kịp thời bằng kháng sinh thích hợp bệnh sẽ nhanh khỏi và có thể không để lại di chứng gì.
– Nếu phát hiện muộn hoặc điều trị không đúng sẽ gây tổn thương lan rộng, hoặc gây nên hiện tượng dính khớp.
Chế độ ăn: Tránh các thực phẩm có thể gây ra dị ứng vì chúng càng làm cho tình trạng viêm trở nên tồi tệ hơn như ngô, sản phẩm bơ sữa đã qua chế biến, quả thuộc họ cam quýt.
Theo Suckhoegiadinh