Sò lông tên khoa học Anadara subcrenata thuộc họ sò (Arcidae), là một loài động vật thân mềm, có hai mảnh vỏ (Bivalves) hình bầu dục, ngả về phía trước.
Trong y học cổ truyền, sò lông được dùng với tên thuốc là mao kham. Dược liệu là thịt sò và vỏ sò. Đông y gọi thịt sò lông là mao kham nhục, có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc có tác dụng bổ huyết ôn trung, kiện vị, nhuận ngũ tạng, tiêu khát, khai Vị. Chủ trị làm cho người say tỉnh rượu, đàn bà bị huyết khối, trưng hà; Thịt sò ăn vào nhuận ngũ tạng, chỉ tiêu khát, khai vị, trị lỵ kinh niên gây sốt lạnh. Đàn bà bị huyết khối có cục trong bụng nên ăn vị này. Chữa thiếu máu, huyết hư, tiêu hóa kém, đau dạ dày. Còn vỏ sò lông gọi là Mao kham tử có thành phần chủ yếu là calcium carbonate (trên 97%). Dược liệu có vị ngọt, mặn, tính hơi lạnh, có tác dụng tiêu tích, hóa đàm, chữa vết máu tụ, tím bầm tê bại, đại tiện ra máu mủ, kiết lỵ, cam răng… Ngày dùng 12-20g bột dưới dạng nước sắc. Có thể làm viên uống. Dùng ngoài lấy bột xoa.
Sò lông.
Để tham khảo và có thể ứng dụng trong trị liệu, xin gợi ý một số phương tiêu biểu.
Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng mạn tính: Dùng thịt sò lông 100g, sấy khô, tán bột, mỗi lần uống 2g chiêu với nước cơm. Ngày 2 lần, cần dùng một thời gian.
Chữa viêm gan, vàng da, sỏi mật: Lấy thịt sò lông 100g, rong biển 50g, râu ngô 30-60g, nấu lấy nước uống trong ngày, cần uống 5-7 ngày liền.
Thuốc chữa mồ hôi trộm: Thịt sò lông 100g, thịt hến 100g, rễ hẹ 50g nấu kỹ lấy nước uống liền 5-7 ngày.
Theo Suckhoedoisong