Cây ngũ gia bì còn có tên gọi khác là cây chân chim, cây lằng, sâm nam, mạy tảng (tiếng Tày), co tan (Thái), xi tờ rốt (K ho), lông veng vuông (Ba Na). Loại cây nhỏ, có thể cao 2-8m. Vỏ cây màu xám, cành nhỏ có lỗ bì. Lá kép hình chân vịt, mọc so le, có 6 – 8 lá chét, cuống lá dài 8-30cm, lá chét nguyên hình trứng, đầu nhọn hay hơi tù, dài 7 – 17cm, rộng 3 – 6cm.
Cuống lá chét giữa dài hơn. Cụm hoa chuỳ hoặc chùm tán. Hoa nhỏ màu trắng, số cánh hoa và nhị bằng nhau, thường là 5 cánh. Quả mọng hình cầu, khi chín có màu tím sẫm. Cây mọc hoang rải rác khắp nơi, thường mọc ở ven rừng, chân núi, sườn đồi, nhiều nhất ở các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình, Bắc Giang…
Bộ phận dùng, chế biến làm thuốc là vỏ, rễ. Rễ đào về rửa sạch đất cát, bóc lấy vỏ hoặc thái mỏng nếu là rễ nhỏ, phơi hay sấy khô. Ngoài ra, còn dùng lá cây làm thuốc. Lá ngũ gia bì rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô trị bệnh eczema.
Ngũ gia bì.
Theo y học cổ truyền, ngũ gia bì có vị đắng, chát, mùi thơm nhẹ, tính mát, có tác dụng làm ra mồ hôi, giải biểu. Trong dân gian, ngũ gia bì thường được sử dụng để chữa cảm sốt, họng sưng đau, thấp khớp, đau nhức xương khớp, vết thương sưng đau. Nhiều vùng người ta dùng lá tươi hoặc khô nấu canh ăn thay rau giúp tiêu hóa tốt hơn; rượu ngũ gia bì tăng lực, trừ phong thấp. Hiện nay, ngũ gia bì đã được sản xuất thành viên thuốc bổ (phối hợp với cao kim anh và vài loại khoáng vi lượng) chữa hạ đường huyết, suy nhược, kém ăn, thiếu máu…
Đơn thuốc chữa bệnh có sử dụng ngũ gia bì:
– Chữa phong thấp đau nhức xương, giúp ăn ngủ ngon, tăng lực: Bột ngũ gia bì 100g ngâm trong 1.000ml rượu, hàng ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml. Cách làm rượu ngũ gia bì: Vỏ rễ ngũ gia bì cạo sạch lớp bẩn dính bên ngoài; Rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, xay tán thành bột. Cứ 100g bột ngũ gia bì cho 1 lít rượu gạo 45 độ, ngâm trong 10 ngày, lắc đều trước khi uống, uống mỗi lần 20ml trước mỗi bữa cơm trưa và chiều. Hoặc ngũ gia bì, mộc qua, tùng tiết, mỗi vị 120g, tán bột mịn, mỗi ngày uống 3 – 4g, ngày 2 lần.
Trị bệnh cước khí chân tay sưng đau: Vỏ rễ cây ngũ gia bì, lõi thông, hạt cau, củ gấu, tía tô, chỉ xác, ké đầu ngựa mỗi vị 8-16g, sắc uống 3 lần trong ngày, uống đến khi khỏi bệnh.
– Chữa lở ngứa eczema: Lá ngũ gia bì, bạch chỉ, hy thiêm thảo (cây cỏ dĩ), rễ gấc, tỳ giải, thổ phục linh các vị bằng nhau: 20g. Sắc uống ngày một thang. Uống ngày 2 lần vào sáng và tối. Uống trong 7 ngày.
– Chữa huyết áp thấp: Dùng viên ngũ gia bì, mỗi lần uống 5 viên, ngày 3 lần, 20 ngày là một liệu trình.
Người mệt mỏi, cảm sốt ra nhiều mồ hôi: Ngũ gia bì, mẫu đơn bì, xích thược, đương quy mỗi vị 40g, sao vàng tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g.
– Chữa sổ mũi, đau họng: Rễ ngũ gia bì 15g, cúc hoa vàng (toàn cây) 35g sắc uống. Uống trong 3-5 ngày.
Lưu ý: Phụ nữ có thai không dùng được đơn thuốc có ngũ gia bì.
Theo Suckhoedoisong