Rau dền là loại rau rất được ưa chuộng trong mùa hè vì có tác dụng mát gan, thanh nhiệt. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy, chúng có khả năng tăng thải trừ chất phóng xạ, thanh thải chất độc vì chúng có nhiều sterol, các acid béo không no.
Theo Đông y, dền cơm vị ngọt, tính hàn. Dền tía vị ngọt, mát, vào đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, ích khí và khai khiếu. Dùng cho các trường hợp kiết lỵ, táo bón, rối loạn tiết niệu, đau mắt đỏ, sưng đau họng, côn trùng cắn đốt. Hằng ngày dùng 100 – 250g bằng cách nấu, xào, ép nước.
Rau dền tía
Cháo rau dền tía: rau dền tía 200g, rửa sạch, nấu lấy nước, nấu cháo với gạo lứt. Ăn khi đói. Dùng cho phụ nữ trước sau khi sinh con có hội chứng kiết lỵ; dùng cho người cao tuổi viêm ruột, kiết lỵ.
Canh rau dền: rau dền tía 200g, rửa sạch, nấu canh, thích hợp với người bệnh ung thư cổ tử cung, hội chứng lỵ, u tuyến giáp trạng lành tính.
Chữa đau mắt: hạt dền cơm, hạt thảo quyết minh, liều lượng bằng nhau 10g. Sắc nước uống. Chữa mắt đau có màng mộng.
Chữa phát ban: rau dền 10g, rễ hoặc lá lức 10g, ké hoa vàng 8g, rễ sắn dây 8g, cỏ mần trầu 8g, dây chiều 8g, rau má 8g, dây giác tía 8g, kinh giới 6g, cam thảo đất 6g, bạc hà 4g, gừng tươi 2 lát. Sắc uống. Chữa sốt nóng thời kỳ đầu.
Theo kinh nghiệm dân gian, lấy lá rau dền giã nát, uống nước và lấy bã đắp chữa rắn cắn. Rễ dền tía và rễ bí ngô với liều lượng bằng nhau, sắc uống chữa chảy máu do sẩy thai. Hạt dền cơm 20g sắc uống chữa tiểu tiện không thông…
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai và người hư hàn tiêu chảy dùng hạn chế.
Theo Suckhoedoisong