Đau mỏi cơ bắp vai gáy làm cho bạn mệt mỏi, ăn ngủ kém dẫn đến suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thời tiết lạnh thì chứng nhức mỏi có xu hướng tăng.
Vì sao bạn bị đau mỏi cơ thể?
Có thể bạn không biết lý do bạn bị đau mỏi cơ bắp, bạn chỉ biết là “tự nhiên bị đau”. Nếu để ý, bạn sẽ thấy các nguyên nhân gây bệnh như sau: khi bạn vận động quá sức, chơi thể thao cường độ nặng, trong thời gian dài quá sức chịu đựng của bạn; do thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh; do bạn nằm, ngồi không đúng tư thế hoặc ít vận động… đều có thể dẫn đến đau mỏi cơ bắp, đau lưng, đau vai gáy, đau cứng cổ…
Đau thần kinh tọa là một nguyên nhân gây đau mỏi cơ thể.
Theo Đông y, “thông bất thống, bất thông thì thống” nghĩa là khí huyết lưu thông thì không đau, còn khí huyết kém hoặc không lưu thông thì đau. Ngoài ra, bệnh còn do cơ thể bạn đang yếu, khi gặp phải gió độc cũng làm cho bị đau nhức.
Y học hiện đại thì giải thích nguyên nhân gây đau là do cơ bắp hoạt động quá nhiều hoặc chèn ép hệ mạch khiến thiếu tổng hợp men ATP (Adenosin Tri Phosphat) là nguồn năng lượng của cơ thể. Trong các sợi cơ bị giảm độ pH, mất kali… mà gây đau. Mặt khác, do chậm trễ dẫn truyền các tín hiệu trong các tế bào cơ khi cơ bắp hoạt động quá căng thẳng gây ra nhức mỏi cơ bắp, đau vai gáy… Tình trạng đau nhức toàn thân có thể xảy ra do sự rối loạn của hệ thần kinh, nội tiết, cơ quan điều khiển và chi phối tất cả hoạt động về thể chất và tinh thần của cơ thể. Ngoài ra, đau mỏi cơ bắp còn do một số bệnh lí như thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa, đau thần kinh ngoại biên, nhược cơ, đau xơ cơ, đau mỏi do thay đổi thời tiết sang lạnh…
Biểu hiện điển hình của bệnh là gì?
Tùy từng lúc, bạn có thể gặp các mức độ đau khác nhau như: đau râm ran, đau ê ẩm, đau nhói, đau thắt… Đau nhức nhiều nơi trên cơ thể như ở da, bắp thịt, gân, xương…, mệt mỏi, khó ngủ, căng thẳng thần kinh, nhức đầu một bên, không thể tập trung, đãng trí… Cơn đau làm cho bạn bị mệt mỏi và căng thẳng, tuy những cơn đau này không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến cuộc sống, ảnh hưởng đến kết quả công việc, học tập của bạn. Mùa lạnh, bạn có thể gặp đau nhức tăng lên ở toàn thân, kèm với chứng đau vai, gáy làm bạn rất khó cử động cổ, vai cánh tay bên đau. Nhiều khi bạn không thể quay cổ mà phải xoay cả thân mình sang bên phải hoặc trái vì đau.
Cải thiện chứng đau mỏi cơ thể bằng cách nào?
Theo Đông y, việc điều trị cần làm cho khí huyết lưu thông thì khỏi bệnh. Như vậy, khi xảy ra đau mỏi ở cơ bắp toàn thân, đau mỏi bắp chân, bắp tay, bạn nên sử dụng liệu pháp massage, đấm bóp chỗ bị đau, day ấn huyệt đau (a thị huyệt), xông hơi… sẽ làm giảm các cơn đau. Nếu bệnh nặng hơn, bạn có thể đi châm cứu, giác hơi, chiếu đèn ấm để cải thiện tình trạng đau nhức. Bạn có thể sử dụng dầu xoa bóp thảo dược, cao dán giúp trị đau rất hiệu quả và an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, việc chữa bệnh cần phối hợp với các loại thuốc giảm đau chống viêm của y học hiện đại thì hiệu quả chữa bệnh càng cao. Các loại thuốc có thể dùng là: thuốc giảm đau chống viêm không steroid như paracetamol, diclofenac, ibuprophen, aspirin…; thuốc giãn cơ; vitamin nhóm B…
Lời khuyên giúp phòng tránh bệnh
Muốn phòng tránh bệnh, bạn cần tránh hoặc loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh. Vào mùa đông, nhiều người có thói quen vận động tăng lên để “cho nó ấm”, theo cách đó, bạn sẽ tăng cường độ và thời gian tập thể dục thể thao. Tuy nhiên, nếu không chú ý, tuy bạn đạt được mục đích làm ấm cơ thể lúc tập nhưng bạn lại rơi vào tình trạng vận động quá mức và nhức mỏi sẽ xảy ra sau đó. Vì vậy, bạn cần chú ý không tập luyện quá sức. Bạn cũng cần chú ý đến tư thế lúc nằm, ngồi cần đúng tư thế. Trong khi ngủ, có thể vì giữ ấm mà bạn nắm mãi một tư thế cũng gây ra đau nhức. Do đó, bạn cần thay đổi có tính chất luân phiên các tư thế khi ngủ: nghiêng phải, nghiêng trái, nằm ngửa để tránh mỏi, tránh tác hại của tỳ đè lâu.
Khi cần mang vác các vật nặng, bạn cần khởi động kỹ và đảm bảo tư thế đúng để tránh bong gân trật khớp, đau cơ, chuột rút sẽ gây đau mỏi về sau. Nếu bạn là người ít luyện tập thì cần thay đổi thói quen, duy trì chế độ tập thể dục thường xuyên, vừa sức để cho khí huyết lưu thông.
Bạn cần thực hiện một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm thực phẩm: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất để duy trì sức khỏe tốt, sẽ giảm nguy cơ bị đau nhức cơ thể. Việc điều trị sớm các bệnh lí như thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa, đau thần kinh ngoại biên, nhược cơ, đau xơ cơ… cũng là cách phòng bệnh hiệu quả đau mỏi cơ thể.
Theo Suckhoedoisong