Theo Đông y, bạch đầu ông có vị đắng, ngọt, tính mát; có tác dụng thanh can, thoái nhiệt, an thần. Bộ phận dùng: Toàn cây. Thu hái toàn cây quanh năm, tốt nhất là vào mùa hè, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô. Thường dùng trị sổ mũi, sốt, ho (lá); lỵ,tiêu chảy, đau dạ dày (rễ); viêm gan (hoàng đản cấp tính); suy nhược thần kinh; mụn nhọt, viêm tuyến sữa, hắc lào, chàm, rắn cắn…
Một số bài thuốc kinh nghiệm từ bạch đầu ông:
Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Bạch đầu ông, chua me đất, hy thiêm (mỗi vị 15g), đun sôi lấy nước uống. Có thể dùng liên tục trong nhiều ngày.
Chữa sổ mũi, sốt, ho: Bạch đầu ông, ngũ trảo, rễ bồ hòn, lá gừa (sanh) mỗi vị 15g nấu nước uống. Dùng 3 – 5 ngày.
Trị chứng suy nhược thần kinh: Bạch đầu ông, hy thiêm (mỗi vị 15g), chua me đất, rau bợ (mỗi vị 12g), sắc uống. 10 ngày là một liệu trình.
Trị rong huyết, rong kinh: Bạch đầu ông, bạc thau, lá ngải cứu, mỗi vị 20g giã nhỏ, lọc nước uống. Uống trước khi có kinh, 10 ngày là một liệu trình.
Hỗ trợ điều trị viêm gan vàng da cấp tính: Bạch đầu ông, diệp hạ châu (chó đẻ), cỏ mực (mỗi thứ 30g dược liệu khô), sắc uống. 10 ngày là một liệu trình, nghỉ 5 ngày sau đó lại dùng tiếp liệu trình mới.
Trị lỵ kèm sưng họng: Bạch đầu ông, hoàng liên mỗi thứ 30g, mộc hương 15g, sắc với 5 bát nước còn 1 bát rưỡi, chia làm 3 lần uống trong ngày. Dùng 3 – 5 ngày.
Trị các loại trĩ ra máu: Bạch đầu ông 20g, hoàng liên 6g, hoàng bá, tần bì mỗi thứ 12g, sắc uống (Bạch Đầu Ông Thang Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị lở, nhọt sưng đau do nhiệt độc: Bạch đầu ông 160g, băng phiến 2g, tán bột. Nấu bạch đầu ông với nước cho thành cao (bỏ bã), khi được cao trộn băng phiến vào khuấy đều trị lở ngứa trên đầu, khi dùng cạo tóc ở vùng bị lở ngứa rồi dán cao vào (Bạch Đầu Ông Cao – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị âm đạo viêm, ngứa: Bạch đầu ông, khổ sâm mỗi thứ 20g, nấu nước rửa âm đạo (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Theo Suckhoedoisong