Đinh hương còn có tên khác là cống đinh hương, đinh tử. Lá mọc đối, hình bầu dục nhọn, phiến lá dài. Hoa mọc thành xim nhỏ chi chít và phân nhánh ở đầu cành. Vị thuốc giống như chiếc đinh, lại có mùi thơm nên đặt tên đinh hương.
Hoa gồm 4 lá đài dày, khi chín có màu đỏ tươi, 4 cánh tràng màu trắng hồng, khi nở thì rụng sớm, rất nhiều nhị. Quả mọng dài, quanh có các lá đài, thường chỉ chứa một hạt.
Cây nụ đinh.
Cây mọc hoang trong rừng hoặc được trồng để thu hoạch hoa làm gia vị và làm thuốc trị nhiều bệnh. Bộ phận dùng là nụ hoa, nụ thơm chứa nhiều tinh dầu có màu hơi vàng nâu, có độ rắn là tốt. Đinh hương được sử dụng làm gia vị trong chế biến thức ăn trong nhiều nền văn hóa ẩm thực. Trong nấu ăn đinh hương được dùng ở dạng nguyên vẹn hay nghiền thành bột và tạo mùi rất mạnh nên chỉ sử dụng ít cho mỗi lần chế biến các món ăn.
Theo quan niệm y học cổ truyền đinh hương có mùi thơm, vị cay, tính ôn, đi vào các kinh phế, tỳ, vị và thận. Có tác dụng ôn trung (ấm bụng), noãn thận (ấm thận), kích thích tiêu hóa, chỉ huyết.
Một số bài thuốc từ đinh hương:
Bài 1: Chữa đau nhức xương khớp do thời tiết: Đinh hương 20g, long não 12g, rượu trắng loại cao độ 250ml, hàng ngày lắc cho đều thuốc, ngâm trong 7 ngày liền. Lấy thuốc xoa bóp nơi khớp đau nhức, ngày 2 lần.
Dược liệu đã sơ chế.
Bài 2: Sát khuẩn chân răng, chữa sưng đau răng do viêm: Đinh hương, xuyên tiêu mỗi vị 20g, tán bột mịn, bôi hàng ngày nơi đau.
Bài 3: Trị chứng viêm loét miệng: Đinh hương 5g, tán bột mịn, cho ít nước sôi để nguội cho ngấm đều thành nước sền sệt (sau 3 giờ). Dùng tăm bông chấm vào nước thuốc này bôi vào nơi viêm. Hàng ngày cần súc miệng nước muối loãng nhiều lần, chữa liền 5 ngày.
Lưu ý: Phân biệt nụ đinh hương với hoa cây nụ đinh là loại bé hơn, không thơm, khi khô đầu nụ teo lại. Những người hư hàn thì không nên dùng.
Theo Suckhoedoisong