Chứng nóng gan là chỉ người bệnh do hay uống rượu, uống bia, các chất kích thích, ăn nhiều đồ ngọt làm cho gan phải làm việc nhiều hơn nhằm loại bỏ các chất có hại ra khỏi cơ thể làm tổn thương đến gan gây ra một số triệu chứng như ngứa ngáy, dị ứng, eczema, tiểu tiện vàng, đại tiện táo…
Theo y học cổ truyền, can (gan) là một tạng có chức năng như sau:
– Can chủ sơ tiết: Phân bố dương khí toàn thân, sách Tố vấn ghi: “Can giữ chức tướng quân”. Nếu can khí thiếu làm người ta yếu đuối dễ sợ. Nếu can khí sơ tiết quá độ, can dương thịnh dễ sinh choáng váng, đau đầu, mắt đỏ, chảy máu mũi. Can khí bị dồn nén uất ức dễ sinh ngực đầy tức, đau mạng sườn.
– Can tàng huyết: Tàng là giữ, chứa và điều hòa lượng huyết trong cơ thể. Khi hoạt động lượng huyết cung cấp cho cơ quan nhiều. Khi nghỉ, lượng huyết cho các cơ quan ít. Khi ngủ thì huyết về can.
– Can chủ cân: Cơ khớp co duỗi vận động được điều hòa là nhờ can dinh dưỡng cân tốt. Khi bị trúng phong, tổn thương can, cơ thể có thể liệt từng phần như liệt mặt hoặc liệt nửa người. Can vinh nhuận ra móng tay móng chân, xem móng để biết can khỏe hay yếu “móng là phần dư của can”.
Trong chứng can nhiệt, người bệnh tiểu vàng, đau bụng dưới, phát sốt, mạng sườn đầy chướng và đau, chân tay cựa quậy liên tục; hay nằm, hay kinh hãi, nằm không yên; nói không thôi, nói như điên…
Chứng can hỏa thượng viêm là triệu chứng biểu hiện do can hoả nghịch lên. Người bệnh mặt đỏ bừng, mắt đỏ, miệng đắng, họng khô, tai ù hoặc điếc đột ngột, đầu choáng váng, chướng đau, phát sốt, phía sườn nóng đau, phiền nóng, dễ giận, nhiều chiêm bao, ít ngủ, đại tiểu tiện bí sáp, tiểu tiện ngắn đỏ, rìa lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng….
Người bị chứng can dương thượng cang (thuộc bệnh tăng huyết áp, rối loạn thân fkinh thực vật) thường có biểu hiện choáng váng, đầu nặng, chân nhẹ, tai ù, hoặc mặt nóng, họng khô, tâm phiền, dễ giận, ngủ ít, mắt mờ, nhiều chiêm bao, lưng gối đau mềm, lưỡi đỏ rêu ít…
Khi bị mắc các chứng này, thầy thuốc có thể kê đơn dùng thuốc thanh can (mát gan), nhưng phải phối hợp trong một bài thuốc hoàn chỉnh.
Thông thường, nhiều người hay nhầm lẫn giữa chức năng gan theo y học hiện đại với chức năng của tạng can theo y học cổ truyền, dẫn đến nhầm lẫn trong điều trị. Cần nhớ là mọi loại thuốc khi vào cơ thể hầu hết đều qua gan, nên khi gan bị bệnh (nhất là khi viêm gan do virut, do rượu…), cần tránh để gan phải làm việc quá tải. Bạn nên đến các phòng chẩn trị đông y để được khám bệnh, kê đơn cụ thể theo đúng tình trạng bệnh của bản thân.
Theo Suckhoedoisong