Theo quan điểm của Đông y: Củ tỏi có vị cay, tính ấm, không độc, vào các kinh Tỳ, Vị, Phế và Đại tràng. Có tác dụng ôn trung hành khí (ấm bụng tăng cường chuyển hóa), giải độc, sát trùng. Thường dùng chữa bụng ngực lạnh đau, ho gà, cảm mạo, kiết lỵ, ỉa chảy, mụn nhọt, lở ngứa, …
Nhưng theo Đông y, tỏi là thứ cay nóng, có tính kích thích mạnh, chỉ nên dùng lượng nhỏ. Những ngườn âm hư hỏa vượng, lưỡi lở loét, mắt đỏ, trĩ sang không nên dùng.
Câu hỏi của ông “Tỏi ngâm giấm 6-7 ngày biến thành màu xanh có hại hay không?”, theo chúng tôi nghĩ, tỏi đã biến màu xanh cũng không có hại.
Bởi lẽ, thứ nhất: Theo các tài liệu nghiên cứu về dược lý hiện đại, hoạt chất của tỏi chỉ bị phá hoại ở nhiệt độ cao và trong môi trường kiềm; trong môi trường a-xít nhẹ ít có ảnh hưởng, mà giấm cũng là một loại a-xít nhẹ (acetic acid).
Thứ hai: Trong các sách về Đông dược thời cổ cũng như thời nay, đều không thấy nói là tỏi không được dùng chung với giấm.
Thứ ba: Tỏi ngâm giấm đã được sử dụng từ rất lâu và rất phổ biến, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có thông báo về hiện tượng ngộ độc hoặc tác dụng phụ.
Tỏi ngâm giấm cũng là một thứ thuốc, đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước. Ví dụ, trong sách “Tần Hồ tập giản phương” của nhà đại dược học Lý Thời Trân có chép bài thuốc chữa vùng ngực, bụng lạnh đau như sau: Tỏi đem ngâm giấm 2-3 năm, sau đó hàng ngày thỉnh thoảng ăn vài ba nhánh.
Theo TNO