Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, hơn 10% dân số từ tuổi trung niên, tương đương với hàng trăm triệu người, bị hạn chế khả năng vận động do bệnh thoái hóa khớp. Còn tại VN, các chuyên gia y tế đã cảnh báo số lượng người bị thoái hóa khớp đang gia tăng nhanh chóng.
Dấu hiệu nào của bệnh thoái hóa khớp ?
Nhận biết sớm những dấu hiệu của thoái hóa khớp có thể phòng tránh tổn thương, biến dạng khớp và nguy cơ tàn phế:
1. Khớp kêu lạo xạo, lục cục mỗi khi co duỗi. Đây là biểu hiện hay gặp của tình trạng thoái hóa khớp, đi kèm với cơn đau.
2. Cứng khớp vào buổi sáng. Dấu hiệu này thường xuất hiện nhất khi mới ngủ dậy, kéo dài khoảng 10 – 30 phút.
3. Khó vận động các khớp. Đi lại khập khiễng do đau khớp háng; khó cử động cổ, đau mỏi vùng sau gáy, lan đến cánh tay; tay không cầm nắm được… Bên cạnh đó, khớp còn bị đau khi vận động nhiều và giảm dần khi nghỉ ngơi.
4. Đau khi ngồi xổm. Khi đứng dậy cũng rất khó khăn, nhiều trường hợp phải có chỗ tựa mới đứng dậy được. Nghiên cứu mới đây cho thấy, những người đau mỗi lần ngồi xổm có nguy cơ thoái hóa khớp gối tăng đến 41%.
5. Đau khi leo cầu thang. Đây là dấu hiệu nhận biết sớm của chứng thoái hóa khớp gối. Nếu để đến lúc lên xuống cầu thang phải nhích từng bước vì quá đau, tình trạng thoái hóa đã trở nặng.
6. Khớp đau nhiều khi tăng cân. Đau đặc biệt là khớp gối, khớp háng, khớp gót chân – những khớp gánh trọng lượng cơ thể nhiều nhất. Các chuyên gia y tế cảnh báo, tăng cân quá mức làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gấp 7 lần so với thông thường.
7. Khớp tê, sưng, biến dạng, teo ổ khớp. Đây là những dấu hiệu chứng tỏ sụn khớp bị tổn thương nghiêm trọng, điển hình như: đầu gối lệch trục, ngón tay trở nên gồ ghề và cong, ngón chân cứng và cong vẹo.
Thoái hóa khớp, vì sao ?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa gây nên tình trạng thoái hóa khớp chính là sự hư hại sụn khớp. Bên cạnh yếu tố tuổi tác, những thói quen xấu trong sinh hoạt tạo áp lực lên các khớp xương ngày càng nhiều, khiến các cấu trúc sợi collagen trong sụn dễ bị tổn thương.
Lúc này, hệ miễn dịch với chức năng bảo vệ cơ thể lập tức dọn dẹp những phần hư hỏng này. Tuy nhiên, lỗi nhận diện của hệ miễn dịch khiến các tế bào chức năng không chỉ dọn dẹp những sợi collagen tổn thương mà còn hủy hoại luôn cả những sợi collagen còn lành lặn. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên những cơn đau nhức, vận động khó khăn và thúc đẩy quá trình viêm, dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp.
Làm gì khi có dấu hiệu thoái hóa khớp ?
Không ít người phải đối mặt với nguy cơ tàn phế vì xem nhẹ những dấu hiệu đau nhức, giới hạn vận động ban đầu của khớp. Một số người lại tự điều trị bệnh theo những cách thức truyền tai cũng khiến tình trạng thoái hóa khớp ngày càng nặng nề hơn. Vì thế, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường về khớp, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị cụ thể.
Đồng thời, mỗi người có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc sụn khớp từ sớm bằng một lối sống khoa học, luyện tập thể dục đều đặn, tránh thừa cân – béo phì, tránh các thói quen gây hại cho sụn khớp như tư thế không phù hợp, thực hiện các động tác đột ngột, làm việc quá sức… Các chuyên gia y tế còn đưa ra lời khuyên, nên bổ sung những chế phẩm có tác dụng phòng ngừa thoái hóa khớp, giúp chăm sóc và bảo vệ sụn khớp an toàn.
Theo TNO