Lá lốt có hình dạng tựa lá trầu, tùy vùng miền còn có cách gọi là lá cách, lá tất bát, lá trầu đất. Thân giống cây tiêu, rất dễ mọc ở những nơi có đất ẩm ven bờ sông hay dọc hàng rào. Về mặt y dược, lá lốt có vị cay, mùi thơm nồng, tính ấm có tác dụng đi vào các kinh vị, tỳ, gan, mật.
Lá lốt không chỉ là cây thuốc quý giúp giải độc, chống viêm, chữa các bệnh liên quan đến thấp khớp, phong thấp,…mà còn là một loại rau dùng làm gia vị hay chế biến các món ăn ngon. Trong một số món ăn nếu thiếu lá lốt dường như có cảm giác thiếu đi chút hương vị đậm đà vốn có.
Lá lốt có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như luộc chấm nước mắm tỏi gừng; xắt nhỏ như sợi chỉ, vắt chanh vào ăn sống hoặc xào với thịt bò, thịt heo hay các loại hải sản thì ngon không gì bằng.
Ngoài ra người ta thường hay dùng lá lốt gói bọc thịt, cá để nướng dưới bếp than vừa chống cháy lại có mùi thơm ngon. Vị ngọt của thịt hay cá thấm vào trong lớp lá mỏng bọc ngoài, cộng thêm mùi thơm của lá lốt sau khi nướng khiến người ăn chỉ nhìn qua đã thấy thèm.
Nhưng có lẽ ngon và đặc sắc nhất là món canh lá lốt. Để nấu canh lá lốt, trước tiên phải rửa sạch lá rồi xắt nhỏ, cho vào nồi nước nấu cùng cá hoặc thịt rồi cho thêm ít gừng tươi đập dập. Các loại canh rau khác cần phải kèm theo rau thơm như hành, ngò… canh lá lốt chỉ cần cho thêm ít gừng tươi giã dập, ít lá rau quế hoặc lá ngải cứu xắt nhỏ để tạo mùi thơm.
Mâm cơm có bát canh lá lốt nấu với thịt nạc băm nhỏ hoặc nấu với tôm khô đã kích thích dịch vị, ăn xong thấy người khoan khoái dễ chịu. Những ai lần đầu thưởng thức món canh này sẽ thấy hơi đăng đắng, quen rồi dăm ba bữa mà không ăn lại thấy nhơ nhớ…
Những món ăn từ lá lốt rất thích hợp khi lúc trời chuyển mùa làm cơ thể nặng nề, ớn lạnh, biếng nhác hoạt động, đau nhức gân xương… Chính vì vậy cây lá lốt không những là vị thuốc dân dã mà còn là món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng giúp những người dân quê bớt được nặng nề mỗi sáng thức dậy, cơ thể tháo vát nhanh nhẹn trong những buổi đồng áng vất vả.
Theo Laodong