Theo y học cổ truyền, hạt dành dành có vị đắng, tính hàn, có tác dụng tả hỏa giải độc, lợi tiểu, chỉ huyết, cảm mạo phát nóng, hạ lỵ mọi chứng, họng đau, miệng lở,…
Hạt dành dành, Đông y thường gọi là sơn chi tử. Là loại cây nhỏ, thân cao khoảng từ 2 – 3m. Lá mọc đối, hình tròn bầu dục xanh bóng. Mùa hè hoa nở trắng có 6 cánh đều, uốn cong, mùi thơm. Lúc hoa sắp tàn biến màu vàng nhạt, vào mùa thu thì kết quả sắc vàng, hình tròn dài bầu dục, có 6 – 9 góc cạnh. Quả được thu hái vào tháng 7 – 9, lúc chín già, ngắt bỏ cuống, phơi hay sấy nhẹ đến khô. Cây thường gặp ở miền núi chỗ ẩm mát và có bóng râm như ven suối, bờ hồ lớn.
Hoa dành dành.
Một số bài thuốc thường dùng theo kinh nghiệm:Bài 1: Chữa trị cảm sốt: Hạt dành dành 14g, hương sị 4g. Tất cả cho vào ấm, đổ 500ml nước, sắc còn 150ml, ngày 1 thang, uống lúc còn ấm. Dùng liền 3 ngày.
Bài 2: Chữa trướng bụng đầy hơi (ăn thức lạ, nhiều mỡ): Hạt dành dành 20g sao nghiền nhỏ, uống với rượu.
Bài 3: Chữa sưng đau bầm tím do ngã (vết thương liền): Hạt dành dành, bạch biển lượng bằng nhau khoảng 20g cùng giã đắp vào vết thương. Ngày thay băng một lần, mỗi lần 2 giờ, đắp liền 5 ngày.
Hạt dành dành.
Bài 4: Trị bụng trướng, da vàng thể thấp nhiệt: Hạt dành dành 20g, nhân trần 24g, đại hoàng 12g. Tất cả cho ấm đổ 700ml nước sắc nhỏ lửa còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày, xa bữa ăn. Mỗi liệu trình 10 ngày.Bài 5: Chữa tiểu buốt, tiểu rắt: Hạt dành dành, mộc thông, hạt mã đề, cù mạch, biển súc, hoạt thạch mỗi vị 12g; đại hoàng 8g; cam thảo nướng 6g. Cho tất cả vào ấm, sắc với 800 ml nước còn 250 ml, uống làm hai lần trong ngày. Mỗi liệu 10 ngày.
Bài 6: Chữa cảm lạnh: Hạt dành dành (sao vàng), trần bì, tinh tre mỗi thứ 10g; gừng sống 5g. Cho 700ml nước, nhỏ lửa, sắc còn 200ml, chia 2 lần, uống trong ngày, lúc còn ấm nóng. Dùng liền 5 ngày.
Bài 7: Chữa lở miệng do nhiệt: Hạt dành dành 12g, nhân trần 16g, đại hoàng 8g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Mỗi liệu trình 10 ngày.
Theo Suckhoedoisong